Kiến thức Những công việc kế toán cần làm khi doanh nghiệp mới thành...

Những công việc kế toán cần làm khi doanh nghiệp mới thành lập

750
Businessman working in the office

Để thành lập được một doanh nghiệp cần thực hiện vô vàn các thủ tục cần đến vai trò của chủ doanh nghiệp và kế toán. Trong đó kế toán thường phải phụ trách những công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chi tiết và có độ chính xác cao. Vậy khi doanh nghiệp mới thành lập thì kế toán cần làm những công việc gì? Hãy cùng MISA eSign tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

>> BẮT BUỘC 100% Doanh nghiệp phải sử dụng chữ ký số
>> Hướng dẫn đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng năm 2020
>> 5 lợi ích hàng đầu của chữ ký số không phải ai cũng biết

1. Đăng ký tài khoản ngân hàng và mua chữ ký số cho doanh nghiệp

Để mở tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp, kế toán cần làm thủ tục mở tài khoản với ngân hàng và thông báo số tài khoản với ngân hàng theo mẫu PL II-1 nộp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư. Việc này cần được thực hiện trước khi doanh nghiệp thanh toán các hóa đơn trị giá từ 20 triệu đồng trở lên khi mua hàng háo dịch vụ để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. Sau khi được cấp tài khoản, doanh nghiệp phải đăng ký tài khoản ngân hàng với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong vòng 10 ngày kể từ ngày được cấp.

Sau khi đã có tài khoản ngân hàng, kế toán cần tiến hành mua chữ ký số để nộp được tờ khai thuế qua mạng, nộp tiền thuế điện tử và phát hành hóa đơn điện tử. Kế toán cần liên hệ với đơn vị cung cấp chữ ký số uy tín để đảm bảo chữ ký số đạt tiêu chuẩn an toàn theo đúng quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng thời có dịch vụ hỗ trợ và chăm sóc khách hàng tốt nhất.

2. Kê khai thuế môn bài

2.1. Xác định mức thuế môn bài cần đóng

Để xác định được khoản thuế môn bài cần nộp cho Tổng cục thuế, doanh nghiệp sử dụng phương pháp xác định bậc thuế môn bài thông qua vốn điều lệ mà doanh nghiệp đã đăng ký. Tùy thuộc vào số vốn điều lệ mà mức thuế mỗi doanh nghiệp phải đóng là khác nhau, cụ thể như sau:

Bậc thuế môn bài Vốn điều lệ Mức thuế cần đóng 1 năm
Bậc 1 Trên 10 tỷ đồng 3 triệu đồng
Bậc 2 Tử 5 – 10 tỷ đồng 2 triệu đồng
Bậc 3 Từ 2 – 5 tỷ đồng 1,5 triệu đồng
Bậc 4 Dưới 2 tỷ đồng 1 triệu đồng

Tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà số vốn trên được coi là vốn điều lệ hay vốn đầu tư. Đối với doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty TNHH, hợp tác xã thì vốn đăng ký là vốn điều lệ. Còn trong trường hợp doanh nghiệp là công ty tư nhân hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì vốn đăng ký được coi là vốn đầu tư.

2.2. Xác định thời điểm thành lập doanh nghiệp

Thời điểm thành lập doanh nghiệp là một yếu tố quan trọng cần được xác định, bởi số tiền thuế môn bài mà doanh nghiệp phải đóng sẽ phụ thuộc vào thời điểm này.

  • Nếu doanh nghiệp được thành lập trong 6 tháng đầu năm thì sẽ phải đóng thuế môn bài cho cả năm.
  • Nếu doanh nghiệp được thành lập trong 6 tháng cuối năm thì chỉ cần đóng thuế môn bài cho nửa năm.

2.3. Xác định thời hạn nộp tờ khai và tiền thuế

  • Đối với các công ty mới thành lập nhưng chưa phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh: Thời hạn nộp tờ khai và tiền Thuế môn bài là 30 ngày kể từ ngày nhận được giấy phép kinh doanh.
  • Đối với các công ty mới thành lập nhưng đã phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh: Thời hạn nộp tờ khai và tiền Thuế môn bài là ngày cuối cùng của tháng nhận được giấy phép kinh doanh.

3. Kê khai thuế GTGT

Kê khai thuế GTGT là một nghĩa vụ bắt buộc mà mọi doanh nghiệp phải thực hiện trong quá trình kinh doanh. Thông thường doanh nghiệp sẽ kê khai theo từng tháng nếu doanh thu sau 1 năm lớn hơn 50 tỷ, tuy nhiên đối với doanh nghiệp mới thành lập thì sẽ kê khai thuế GTGT theo từng quý.

Có 2 cách kê khai cho doanh nghiệp lựa chọn là: kê khai theo phương pháp khấu trừ hoặc kê khai theo phương pháp trực tiếp. Nếu doanh nghiệp kê khai theo phương pháp khấu trừ thì phải đăng ký tự nguyện áp dụng kê khai thuế theo phương pháp khấu trừ theo mẫu 06/GTGT, nộp trước kỳ kê khai thuế theo quý đầu tiên từ khi doanh nghiệp thành lập.

Lưu ý:

  • Nếu không gửi mẫu 06/GTGT thì doanh nghiệp sẽ chỉ được phép áp dụng kê khai thuế theo phương pháp trực tiếp
  • Các doanh nghiệp mới thành lập vẫn phải kê khai thuế GTGT và nộp tờ khai vào quý đầu tiên từ khi thành lập cho dù chưa có nghiệp vụ mua bán nào phát sinh (tích vào chỉ tiêu 21 của mẫu 01 tờ khai thuế GTGT, còn tờ khai 04 để trắng)

kế toán cần làm

4. Kê khai thuế TNCN

Do năm đầu tiên các doanh nghiệp mới thành lập kê khai thuế GTGT theo từng quý nên việc kê khai thuế TNCN cũng sẽ được thực hiện theo quý. Một số điều cần lưu ý khi kê khai thuế TNCN như sau:

  • Chỉ khi doanh nghiệp phát sinh thuế TNCN phải khấu trừ trong quý thì kế toán mới cần làm tờ khai thuế TNCN.
  • Nếu không có thuế TNCN phải khấu trừ phát sinh thì doanh nghiệp không cần nộp tờ khai thuế TNCN của quý đó.
  • Dù trong năm doanh nghiệp có phát sinh thuế TNCN phải khấu trừ hay không thì kế toán vẫn cần làm tờ khai Quyết toán thuế TNCN theo mẫu 05/TK-TNCN vào cuối năm đó.
  • Hết năm hoạt động đầu tiên, doanh nghiệp cần căn cứ vào doanh thu hoạt động để xác định việc kê khai thuế GTGT và thuế TNCN năm sau là theo quý hay theo tháng.

Khi doanh nghiệp mới thành lập tuyển dụng nhân viên mới, kế toán cần kiểm tra xem người lao động đó đã có mã số thuế hay chưa. Trong trường hợp chưa có thì kế toán cần đăng ký mã số thuế cá nhân cho người lao động đó để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước.

5. Kê khai thuế TNDN

Thông thường, các doanh nghiệp mới thành lập sẽ phải nộp tờ khai thuế TNDN theo quý ngay cả khi không phát sinh thuế TNDN. Do đó, ngay đầu quý sau quý thành lập, kế toán cần nộp tờ khai thuế TNDN đầu tiên cho cơ quan thuế. Đến cuối năm, kế toán cần nộp tờ khai quyết toán thuế TNDN để cơ quan thuế quản lý và kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật.

6. In hóa đơn

a) Đối với doanh nghiệp tính thuế theo phương pháp khấu trừ

Để có hóa đơn GTGT để sử dụng, kế toán doanh nghiệp cần thực hiện các công việc sau:

  • Làm đơn đề nghị đặt in hóa đơn theo mẫu 3.14 sau khi hoàn thành tờ khai 06/GTGT
  • Chuẩn bị các thủ tục để tiếp đón cán bộ Thuế
  • Tìm đơn vị cung cấp dịch vụ in hóa đơn
  • Chuẩn bị hồ sơ đặt in hóa đơn
  • Thanh lý hợp đồng in ấn
  • Làm thủ tục phát hành hóa đơn gửi cho cơ quan thuế trước khi sử dụng ít nhất 5 ngày kể từ ngày thông báo phát hành hóa đơn, nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo mẫu BC26/AC theo quý. Thời gian nộp muộn nhất là ngày 30 của quý tiếp theo.

Ngoài ra doanh nghiệp còn có thể khởi tạo hóa đơn bằng cách sử dụng hóa đơn điện tử của các đơn vị cung cấp hóa đơn điện tử uy tín. Việc sử dụng hóa đơn điện tử đang nằm trong lộ trình bắt buộc của Tổng cục thuế nên việc trang bị hóa đơn điện tử từ sớm sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp về sau. Đặc biệt, nếu cơ quan thuế có thông báo yêu cầu áp dụng thì doanh nghiệp buộc phải thực hiện sử dụng hóa đơn điện tử.

b) Đối với doanh nghiệp tính thuế theo phương pháp trực tiếp

Kế toán cần làm thủ tục mua hóa đơn trực tiếp tại cơ quan thuế quản lý

7. Thủ tục lao động và bảo hiểm xã hội

a) Đối với phòng Lao động Thương binh xã hội

Doanh nghiệp phải nộp các giấy tờ sau:

  • Bản khai báo tình hình sử dụng lao động theo mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư số 23/2014/TT-BLĐTBXH trong thời gian 30 ngày kể từ ngày doanh nghiệp bắt đầu hoạt động.
  • Thang bảng lương của doanh nghiệp. Sau khi xin được xác nhận của phòng Lao động Xã hội vào thang bảng lương này, doanh nghiệp sẽ kẹp vào hồ sơ gửi cơ quan Bảo hiểm.
  • Doanh nghiệp phải có các văn bản sau (lưu tại doanh nghiệp, không phải nộp)
  • Lập sổ quản lý lao động trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động tại nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.
  • Nội quy lao động đối với doanh nghiệp có số lượng lao động từ 10 người trở lên.

kế toán cần làm

b) Đối với cơ quan bảo hiểm

Kế toán cần phải nộp bộ hồ sơ đầy đủ như sau:

Với doanh nghiệp:

  • Bản sao Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép hoạt động.
  • Một (01) bản danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT (mẫu D02-TS).
  • Đối với đơn vị đăng ký đóng hằng quý hoặc 6 tháng một lần: văn bản đăng ký phương thức đóng của đơn vị (mẫu D01-TS), kèm theo phương án sản xuất, kinh doanh của đơn vị và phương thức trả lương cho người lao động.

Với Người lao động:

  • Tờ khai tham gia BHXH, BHYT (Mẫu số TK1-TS)
  • Đối với người đã hưởng BHXH một lần nhưng chưa hưởng BHTN: thêm giấy xác nhận thời gian đóng BHTN chưa hưởng BHTN do cơ quan BHXH nơi giải quyết BHXH một lần cấp.
  • Đối với người được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn (người có công …): thêm bản sao giấy tờ liên quan (kèm theo bản chính) để chứng minh.

8. Thông báo phương pháp khấu hao TSCĐ

Khi phát sinh mua mới TSCĐ, kế toán cần lập và nộp bảng thông bao phương pháp trích khấu hao TSCĐ cho cơ quan Thuế khi bắt đầu đưa TSCĐ vào sử dụng.

9. Các thủ tục khai báo ban đầu

Kế toán cần đăng ký:

  • Chế độ kế toán áp dụng theo thông tư 200 hay 133
  • Hình thức kế toán
  • Phương pháp hàng tồn kho mà doanh nghiệp sử dụng…, cho cơ quan thuế.

Các thủ tục này có một số cơ quan Thuế bắt buộc, nhưng một số cơ quan Thuế khác thì không bắt buộc.

Khách hàng có nhu cầu tư vấn miễn phí về chữ ký số MISA eSign xin vui lòng liên hệ hotline 090 488 5833 hoặc đăng ký tại đây:

>> Hướng dẫn đăng ký mua online chữ ký số MISA eSign nhanh nhất
>> Hướng dẫn cách cài đặt và kích hoạt chữ ký số USB token
>> Cách kiểm tra và xóa chữ ký số hết hạn để tránh rủi ro cho doanh nghiệp